[Movie] The Imitation Game – Giải Mã Một Số Phận

Disclamer:
Viết rất dài nhưng spoilers không đáng kể, không miêu tả cụ thể tình tiết nào của phim, bạn nào chưa xem cũng có thể yên tâm.
Lần này cách mình viết review hơi khác với mọi khi một chút.
Toàn bộ là cảm nhận cá nhân và những nhận xét chỉ dựa vào kinh nghiệm ‘cày phim chuyên nghiệp’ của mình, nên có gì không đồng ý thì cũng thoải mái, đừng căng thẳng.
Xem phim ngày 1/1, đợi đến 2/2 mới xong nổi cái review, cơ bản 1 tháng đó lê lết lười biếng, mọi người thông cảm.

I. Yếu tố nghệ thuật:
– Nhạc phim: âm nhạc sử dụng trong The Imitation Game khá nhẹ nhàng, ngay cả với những bài được đặt trong cao trào của phim, có lẽ để tạo nên một ẩm hưởng chủ đạo trầm buồn cho câu chuyện. Đánh giá chung về âm nhạc của The Imitation Game thì đạo diễn âm nhạc đã hòa hợp được nó với diễn biến của phim khá ổn, nhưng nếu nói sẽ gây ấn tượng đặc biệt với khán giả thì có lẽ là chưa được. Ngoài bài ‘The Imitation Game’ là bài nhạc chủ đề thì bài mình nhớ và có ấn tượng nhất là bài ‘Alan’, còn lại thì hơi nhạt nhòa và thiếu cá tính.
– Quay phim: màu sắc phim đậm chất Anh Quốc, một màu vừa dịu dàng vừa trầm mặc điển hình cho những bộ phim tiểu sử của Anh. Có thể đó là cách đạo diễn chọn để kể câu chuyện của mình, nhẹ nhàng và mộc mạc. Bối cảnh của phim chỉ tập trung vào một địa điểm quay khá nhỏ, không có ngoại cảnh nhiều, điều duy nhất mình có thể nói được là ekip quay phim đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, còn gây hiệu ứng mạnh mẽ thì chưa, tính đột phá không có nên nhìn các góc quay có vẻ quen thuộc, nhưng cũng rất dễ hiểu khi nhìn vào con số đầu tư của phim chỉ dừng ở con số 14 triệu USD.
– Thủ pháp dựng phim: bộ phim xen kẽ những câu chuyện của thời điểm hiện tại và và quá khứ, được tạm hiểu như được kể lại qua kí ức của Alan Turing, không phải là thủ pháp mới lạ với thể loại phim tiểu sử, nhưng theo mình thì nó vẫn luôn hiệu quả. Cuộc đời hiện tại của Alan, những công việc, những mong ước của ông được giải thích hợp lý và thấu đáo qua những câu chuyện ngắt quãng về quá khứ. Toàn bộ cuộc đời của Alan Turing như được chính ông kể lại, chứ không phải qua cách nhìn của bất cứ ai khác, không đầy đủ từ đầu đến cuối nhưng có đủ những cột mốc quan trọng để khắc họa rõ con người ông, và điều đặc biệt nhất chính là giọng dẫn chuyện của chính Ben, mình không rõ bí mật nằm ở đâu nhưng thật sự với vài câu độc thoại mở đầu thôi mình đã thấy rất xúc động, chắc chắn nó gây được sự chú ý của khán giả khiến họ phải tập trung hơn vào bộ phim ngay từ khi Ben cất giọng nói.

tumblr_niecxeQHDn1r51uuno1_1280

II. Diễn xuất:
Nếu The Imitation Game có thể tự hào về một điều gì thì chắc chắn dàn diễn viên phải là một trong số đó. Trong phim thì chỉ có vai Alan Turing là nam chính, còn lại là nam phụ và nữ phụ, nhưng quả thật tất cả những vai nam phụ đều rất xuất sắc cho dù họ xuất hiện trong bao nhiêu phút và có bao nhiêu câu thoại. Từ hình ảnh một vị chỉ huy quân đội cứng nhắc, một sĩ quan tình báo lạnh lùng tinh quái, một Hugh nghiêm túc trong công việc, nóng tính nhưng tốt bụng, đến một John hòa nhã, điềm đạm, nhưng đầy tính toán.

The-imitation-game-film-movie-desktop-wallpaper-benedict-cumberbatch-keira-knightley-matthew-goode-morten-tyldum-uk-alan-turing-british-films-best-picture-academy-awards-predictions-best-director-best-actor

Trước đây mình chưa xem phim của Allen Leech nhưng phải nói vai diễn của anh trong TIG tuy nhỏ nhưng diễn xuất rất đỉnh, nhân vật của anh chỉ có một cảnh quan trọng duy nhất trong phim nhưng cái khuôn mặt bình thản, nụ cười tưởng như vô hại, giọng nói không chút bối rối khi đưa ra lời trao đổi với Alan Turing làm mình thấy khinh sợ cái con người có vỏ bọc quá hoàn hảo đó. Mỗi nhân vật phụ đều để lại một dấu ấn riêng và khiến khán giả nhớ được họ là ai chứ không phải chỉ là phông nền đằng sau Alan Turing. Mỗi một vai diễn nhỏ đó hòa hợp lại tạo nên những mảng màu khắc nhau giúp khắc họa nên những góc khác nhau trong con người Turing. Chemistry giữa dàn diễn viên rất tốt, diễn ăn ý và dù họ đều là những ngôi sao thì khả năng tiết chế giúp làm nổi bật vai diễn trung tâm lên là rất đáng nể. Riêng về diễn viên nữ quan trọng nhất của phim, Keira làm khá tròn vai, trong 4 bộ phim mà mình từng xem thì có thể nói đây là vai diễn gần như tốt nhất của chị, một Joan sống động, mạnh mẽ, rất đáng yêu, nhưng mình nghĩ phần kịch bản viết cho nhân vật nữ phụ này chưa tốt. Số phận của vai diễn này còn ‘phụ thuộc’ quá nhiều vào nam chính, tất nhiên mình hiểu vai nữ này là phụ chứ không phải nữ chính, mình cũng không nói rằng vai Joan cần nhiều đất diễn hơn, nhưng mình muốn hình ảnh của Joan quyết liệt hơn trong công việc hơn một chút chứ không phải chỉ là hình ảnh để làm nổi bật sự giúp đỡ của Alan Turing. Đoạn cao trào với Alan Turing ở nửa cuối, Keira thể hiện thái độ cố tỏ ra bình thản chấp nhận khi biết điều bí mật thì rất tự nhiên nhưng qua đến phần nổi giận thì cảnh đó chị diễn hơi trôi tuột, ánh mắt chưa làm bật lên được sự mạnh mẽ lẫn kìm nén của nhân vật Joan.
Một diễn viên mới làm mình điêu đứng trong TIG đó là Alex Lawther, người vào vai Alan Turing thời trẻ. Không biết phải nói sao để diễn tả sự bấn loạn khi bị choáng với khả năng diễn xuất nội tâm của em ấy nữa. Từ cái vẻ rụt rè nhút nhát bên bạn bè, đến nỗi sợ khi nằm dưới gầm sàn nhà, đến cái nụ cười mím môi dịu dàng khiến mình như cảm nhận được nhịp đập nhanh trong tim của cậu bé ấy khi đứng cạnh người bạn mà em thầm yêu quý. Sự háo hức, niềm vui sáng lên trong ánh mắt của Alan khi sắp được gặp lại Christopher hay ánh mắt kìm nén tỏ vẻ lạnh nhạt nhưng nước mắt vẫn như chực trào ra khi chối bỏ sự thân thiết với người bạn duy nhất cứ đốn tim mình từng chút từng chút một đến lúc không thể kiềm được mà rơi nước mắt và muốn lao vào màn ảnh để ôm chầm lấy em. Lúc đầu khi biết bảng phân vai mình không chú ý đến cậu diễn viên trẻ măng này lắm, nhưng sau khi xem xong thì em là người thứ hai làm mình bấn loạn nhất phim. Câu chuyện về một Alan Turing thời thiếu niên, những lát cắt tưởng như rời rạc lại trở thành linh hồn của cả phim. Nó khiến cho hình ảnh một Alan Turing trưởng thành ở thời điểm hiện tại sâu sắc hơn, dễ thấu hiểu và đồng cảm hơn, một Alan Turing rất thật. Không chỉ là nhà toán học kiêu căng lập dị, khó gần, mà ẩn sâu bên trong là những tâm sự chưa bao giờ được bày tỏ, những nỗi buồn được khỏa lấp, và một trái tim cần và biết yêu thương cho dù bên ngoài có sự khác biệt với những người xung quanh.
Riêng với diễn xuất của diễn viên chính là Ben thì có rất nhiều điều để nói. Sự khác biệt giữa hai câu nói: “Lại là một vai diễn thiên tài.” và “Có thêm một vai diễn thiên tài.” là rất lớn. Alan Turing không phải vai diễn một thiên tài đầu tiên, và có thể không phải là cuối cùng của Ben, nhưng vai diễn này có sức sống riêng của nó, đó không phải là một sự lặp lại mà Ben đã ghi thêm vào danh sách những vai diễn thiên tài của mình một cái tên mới. Tất nhiên thiên tài và thiên tài sẽ có những điểm giống nhau cơ bản, nhưng con người cho dù có nhiều điểm chung thế nào thì vẫn có những nét cá tính, biểu hiện riêng, và tài năng diễn xuất của người diễn viên là khai thác cho được những chi tiết đó để khán giản cảm nhận trước mặt mình đó là một con người khác biệt. Alan Turing, Sherlock, Stephen Hawking, Christopher Tietjens… đều là những cá nhân kiệt xuất và điểm chung của họ là bộ óc thông minh, nhưng rõ ràng chúng ta có thể cảm nhận thấy một Sherlock ngạo nghễ, một Stephen Hawking thâm thúy hài hước, một Christopher Tietjens đạo mạo quý tộc, và một Alan Turing quá thẳng thắn. Alan Turing trong mắt người khác là một kẻ ngạo mạn, với cái kiểu chê như tát nước vào mặt người khác, có vẻ như cũng không khác mấy so với Sherlock, nhưng Sherlock hiểu rõ tác động của những lời nói của mình lên người khác, những câu nói mỉa mai có chủ đích, còn Alan Turing thì không, tất cả nhưng điều ông nói ra chỉ với lý do duy nhất đó là vì ông luôn nói thật suy nghĩ của mình. Sherlock không hòa nhập được với xã hội vì Sherlock tự tách mình ra, vì không chấp nhận sự ảnh hưởng của người khác lên mình, còn Alan Turing là bị cô lập bởi xã hội xung quanh, ông thông thạo mọi câu đố hóc búa của thế giới nhưng lại chẳng hiểu nổi những quy tắc xã giao để hòa nhập với người khác. Bất hạnh của Alan là ở chỗ ông không hề quay lưng với xã hội, ông vẫn luôn cố gắng hiểu cách mà con người ta sống với nhau, nói chuyện với nhau, chỉ là ông đang bị người xung quanh xa lánh chỉ bởi vì sự thẳng thắn đến cực đoan, mà con người bình thường thì không mấy ai chấp nhận nổi sự khác biệt của ông. Nói ví dụ như Sherlock, một con người thường xuyên gây khó chịu cho người xung quanh nhưng Sherlock luôn biết cách thể hiện khác đi trong những trường hợp cần thiết để giải quyết vấn đề (thấy mấy lần giả bộ đáng yêu, đáng thương là biết rồi), nhưng Alan thì hoàn toàn không, Alan như một ly nước tinh khiết có thể nhìn thấu cảm xúc của ông. Cái biểu hiện vụng về, rụt rè muốn tạo cảm tình với bạn đồng nghiệp để hòa hợp trong chỗ làm hơn vừa buồn cười vừa tội nghiệp. Tất cả những điều đó khán giả có thể cảm nhận được một phần nằm ở diễn xuất của người diễn viên.
Ban đầu khi có tin Ben nhận đóng The Imitation Game với vai Alan Turing đã có khá nhiều người băn khoăn liệu có phải Ben đang đi vào một lối mòn với một kiểu vai diễn quen thuộc, và anh không dám bước ra ngoài ranh giới an toàn của bản thân. Mình thì không cho rằng lựa chọn đóng Alan Turing là một lựa chọn an toàn, mà đó chính là sự thách thức, một sự lựa chọn rất mạo hiểm, vì chỉ cần làm không tốt một chút sự đánh giá sẽ khắt khe hơn, và cho dù làm tốt thì số người nhìn nhận đúng được sự đầu tư công sức của anh có thể sẽ không nhiều. Nhưng rõ ràng Ben đã không hề tính toán thiệt hơn, anh nhận vai đơn giản vì muốn được là người kể lại câu chuyện về con người đáng được tôn vinh này, một bộ phim ban đầu chỉ là một dự án nhỏ, việc được The Weinstein Company bỏ tiền ra mua bản quyền phát hành ở Mỹ với số tiền cao ngất ngưởng không thể nào nằm trong dự tính khi họ bắt đầu có ý tưởng sản xuất bộ phim, Ben đã nhận lời không đắn đo cho dù tính mạo hiểm của lựa chọn này khá cao, khi một diễn viên bị cho là đóng khung trong một kiểu vai diễn thì sẽ rất khó để có phá vỡ định kiến đó. Ben chấp nhận một vai diễn thiên tài nữa tức là thách thức chính mình, anh phải tự vượt qua bản thân bằng những kĩ năng diễn xuất khác biệt, ở Sherlock là những cái nhìn sắc lẹm, nụ cười nhếch môi, ánh mắt rực sáng đầy tinh quái, những biểu hiện cơ thể luôn bộc lộ sự thiếu kiên nhẫn với người khác; Hawking là sự điềm đạm của một nhà trí thức, nhưng sự hóm hỉnh thể hiện qua nụ cười mỉm đầy ẩn ý; nhưng ở Alan Turing là ánh mắt luôn nhìn thẳng đầy trung thực với người xung quanh, một đôi mắt tìm kiếm sự đồng cảm, biểu hiện cơ thể vừa rụt rè vừa sợ bị tổn thương, như một đứa trẻ mang nhiều nỗi buồn đang cố tỏ ra mạnh mẽ trước người khác, nhưng lại cực kì tự tin vào năng lực của bản thân nên không hề sợ hãi khi đối mặt với áp lực bên ngoài.
Đặc biệt là cách Ben biến hóa ở giọng nói quả thật rất xuất sắc (Sherlock nói nhanh như bão, Hawking gặp khó khăn khi phát âm và Alan Turing thì bị cà lăm), cái cách Ben phát âm từ vựng cũng tạo nên những sắc thái khác nhau cho từng nhân vật. Mỗi câu nói, mỗi ánh mắt, mỗi biểu hiện rất nhỏ đó thôi cũng chính là khả năng diễn xuất chứ không phải tự dưng xuất hiện, nếu bỏ qua tất cả và quy chụp những vai diễn đó đều giống nhau tức là đã phủi đi toàn bộ công sức Ben bỏ vào mỗi nhân vật của anh. Mình không phải là một nhà phê bình chuyên nghiệp, không có chuyên môn gì trong việc diễn xuất hay làm phim, nhưng là một khán giả, mình cảm nhận được công sức và sự đầu tư của anh qua từng nhân vật, và vai diễn Alan Turing một lần nữa khiến mình rất tự hào về Ben. Anh là một diễn viên rất có thực lực, người ta có thể thích, có thể không thích, nhưng không thể phủ nhận điều này.

the-imitation-game-movie-wallpaper-17

III. Nội dung:
Tất nhiên phần quan trọng nhất của một bộ phim vẫn chính là nội dung của nó chuyển tải được đến người xem. Kịch bản của TIG được viết đơn giản, không có những bí ẩn quá lớn hay tình tiết phức tạp. Mọi chuyện diễn ra là câu chuyện cuộc đời của một người, một con người rất thầm lặng đã nếm đủ mọi đau khổ tột cùng nhưng được kể lại rất bao dung chứ không phải chất chứa sự phẫn uất hay hận thù. Nhưng có lẽ đó chính là lý do bộ phim lại đi vào lòng khán giả tự nhiên đến vậy, có những cung bậc tươi sáng, có những tình cảm tốt đẹp, có những kỉ niệm vui, những ngày tháng buồn, mọi điều qua lời kể của chính Alan Turing đều rất nhẹ nhàng, giản dị, nhưng khiến cho người xem cười cùng ông, khóc cùng không, cảm phục ông, thương xót cho ông và cái mong muốn được giành lại cho ông sự công bằng cứ tức nghẹn nơi lồng ngực, cuối cùng nước mắt khán giả rơi xuống vì họ biết mọi thứ đã muộn, và những nỗi đau ông gánh chịu đã không thể san xẻ được nữa.
Chủ đạo trong nội dung phim TIG là những mối quan hệ đan xen với nhau xung quanh cuộc đời của Alan Turing, có những câu chuyện là thật, có những tình tiết được viết hư cấu thêm, nhưng mình thấy chúng hòa hợp với nhau để tạo nên một kịch bản đẹp và giàu cảm xúc. Kịch bản của TIG không phải là hoàn hảo, thật sự mà nói thì nó có nhiều chỗ mình chưa ưng ý, nhưng mình không dùng từ có sạn là vì thường sạn là những chi tiết khiến đang xem thấy khó chịu, TIG đối với mình không phải như vậy, nhưng nó chưa thực sự đủ độ sâu mà đáng lẽ nếu biên kịch khéo léo hơn thì với nội dung câu chuyện như vậy, với cách xử lý tinh tế thì sự xúc động sẽ còn lớn hơn nhiều. Biên kịch hơi ‘tham lam’ nên nội dung có chút dàn trải, nhịp nối giữa các khoảng thời gian có hơi bị hẫng, và cái kết cảm động nhưng bị đột ngột, có chút hụt hẫng, vì đoạn trước đang là cao trào nên có một khúc đệm dịu lại, nhưng lại lập tức chuyển qua cảnh kết nên lúc xem mình có chút cảm giác bộ phim chưa có kịch bản đầy đặn.
Bây giờ mình sẽ nói kĩ hơn từng ‘mối quan hệ’ được khai thác trong TIG:
– Tình cảm giữa Alan Turing và cỗ máy và kí ức thời niên thiếu: đây có thể nói là chi tiết được kịch tính hóa hơn rất nhiều so với cuốn tiểu sử, ngay cả tên gọi của cỗ máy cũng được hư cấu nhưng thực sự tình cảm giữa Alan và Chritopher là sợi dây xuyên suốt kết nối câu chuyện lại với nhau. Nếu ai hỏi khía cạnh tình cảm của TIG ở đâu thì chính là hình ảnh Alan Turing bên chiếc máy. Thực sự lúc đó mình không còn quan tâm liệu rằng chiếc máy có được đặt tên thế thật hay không, vì mình tin vào câu chuyện rất đẹp đó, có thể nói là một tình cảm rất lãng mạn nữa. Đó chính là mối tình lớn nhất của bộ phim, một tình cảm mang màu sắc ẩn dụ nhưng cực nhiều cảm xúc. Alan Turing đã lựa chọn cách điều trị bằng hóa học thay vì ngồi tù chỉ với mục đích duy nhất là để giữ được Christopher, vì với Alan mất đi công việc, mất đi Christopher là mất đi tất cả ý nghĩa cuộc đời mình. Một tình cảm thầm lặng thời niên thiếu đã trở thành ước mơ, đam mê và mục đích sống của Alan Turing đến tận cuối cuộc đời, Christopher chính là tình yêu của Alan, nơi ông trút vào tất cả tình cảm, tâm tư, những ước mơ thầm kín không thể bày tỏ, và cả nỗi đau của sự cô đơn sẽ không ai có thể thấu hiểu.

TIG_200_IG_03812R

Phân đoạn cuối cùng Alan ngồi bên chiếc máy bộc lộ sự khủng hoảng tinh thần cực độ với nỗi lo người ta sẽ cướp đi hạnh phúc cuối cùng của mình khiến khán giả khó có người nào mà không thấy đau lòng. Và khán giả có thể nhận ra sự sắp xếp bộ cục bộ phim song song với nhau giữa hiện tại và quá khứ: khi Alan thời nhỏ tuổi cuối cùng đã tìm được người hiểu mình, một niềm vui trong cuộc sống với những mật mã hóc búa thì cũng là lúc số phận cướp mất đi của cậu bé hạnh phúc duy nhất đó; đến khi trưởng thành, đó là niềm vui tột độ khi Alan thực hiện được ước mơ với cỗ máy Christopher, lúc đạt được thành tựu trong cuộc đời bên những người đồng nghiệp, thì cuộc đời lại một lần nữa cướp Christopher từ tay ông. Chẳng cần bất cứ lời nói yêu thương, cử chỉ thân mật nào, chỉ có những ánh mắt, những dòng thư viết bằng mật mã ngắn ngủi nhưng người xem cảm nhận được trái tim yêu thương và tình cảm sâu sắc của Alan đối với người bạn vong niên cũng như ước muốn có được hạnh phúc giản dị như mọi người. Mình đã khóc không phải vì buồn, mình khóc vì thấy sao quá bất công, sao quá tàn nhẫn, cái cảm giác uất ức của bất lực dâng lên đến tức ngực mà không biết phải diễn tả ra sao.
– Mối quan hệ giữa Turing và đồng nghiệp: riêng về câu chuyện giữa Alan và những người đồng nghiệp trong Hut 8 thì mình nghĩ được khai thác ở khía cạnh hài hước, là điểm tươi sáng hơn của phim để cân bằng lại những bi kịch khiến bộ phim không trở nên nặng nề giáo điều. Những mẩu đối thoại, tình tiết nhỏ được viết rất duyên, làm người xem được nhìn Alan một cách đa diện hơn trong cuộc sống thường này của ông. Một con người làm việc có nguyên tắc, quyết đoán, tư duy táo bạo và đặc biệt biết tôn trọng những người có thực tài bên mình. Dù thiếu hụt ở khả năng giao tiếp và lấy lòng người nhưng Alan lại là người có cách nhìn nhận rất cởi mở về bình đẳng giới khi quyết tâm thuyết phục Joan ở lại đội của mình. Từ những mối quan hệ này mình tưởng tượng ra hình ảnh thật của Alan bên ngoài, mình không nghĩ ông là người quá lập dị, mà là một giáo sư toán sống kín đáo và nói chuyện quá thẳng thắn mà thôi. Nếu để đem ra so sánh với một nhân vật thiên tài nào khác thì mình nghĩ Alan Turing trong phim có nét giống Sheldon của The Big Bang Theory nhiều hơn. Mối quan hệ giữa những bộ óc thông minh được gom chung vào một nhóm với những rắc rối rất đời thường sẽ khiến người xem phải bật cười.

_TFJ0276.NEF

– Mối quan hệ giữa chính phủ và người đồng tính với đại diện là Alan Turing: mình nghĩ thông điệp mà bộ phim nhấn mạnh nhất chính là sự chênh lệch đối lập giữa công lao của Alan và cách đối xử bất công của chính phủ với ông so với những người khác, chỉ vì ông là người đồng tính. Bối cảnh của bộ phim là vào khoảng hơn 50 năm về trước, tức là gần một thế hệ con người đã qua. Giờ đây những lời xin lỗi cũng khó bù đắp được những mất mát, bất công, thế nhưng con số 49.000 con người bị đối xử thiếu công bằng hàng chục năm về trước đó khiến người ta giật mình và thấy chua xót. Bộ phim thành công ở chỗ nó có một thông điệp rất rõ ràng và khiến cho khán giả phải day dứt với những gì lịch sử đã làm với những con người xứng đáng được tôn vinh mà lại phải chịu uất ức trong khoảng thời gian quá dài đến vậy. Tất nhiên việc công lao của Alan Turing không được biết đến là vì nó thuộc hàng tuyệt mật quốc gia, nhưng ngay cả nếu ông không có những đóng góp lớn lao như vậy, thì bản án lạnh lùng đó vẫn quá là bất công và tàn nhẫn với một người bình thường, để 50 năm sau khi bí mật được hé lộ với một lời xin lỗi công khai từ đất nước thì nó cũng đã để lại một nỗi đau quá lớn. Câu nói “Sometimes it is the people who no one imagines anything of who do the things that no one can imagine. ” được lặp lại nhiều lần trong phim trở thành một sự ám ảnh với người xem, và hiểu theo nghĩa rộng hơn câu nói ấy không chỉ để nói về Alan Turing, sau khi xem xong mình cứ nghĩ mãi chuyện liệu trong số bao người đã nằm xuống hay còn sống, sẽ có bao nhiêu câu chuyện như vậy mà chúng ta chưa từng biết đến nữa đây.
– Tội ác chiến tranh: mọi cuộc chiến cho dù vì là lý do gì thì điều đầu tiên người ta nhận được chính là sự mất mát. Những trái tim biết yêu thương lại phải gương mắt đứng nhìn người thân, đồng bào, hoặc đơn giản là những con người khác phải bỏ mạng. Chiến tranh đòi hỏi người ta bắt buộc phải hi sinh, hi sinh hạnh phúc riêng tư, hi sinh gia đình, hi sinh mạng sống của những người khác để giành được chiến thắng. Chiến tranh không có chỗ cho tình cảm, người nào sáng suốt hơn thì người đó nắm được phần trăm chiến thắng nhiều hơn. Nhưng liệu rằng người chiến thắng có mất mát ít hơn kẻ thua cuộc, khi họ cũng đã hi sinh quá nhiều máu và nước mắt của những người vô tội thậm chí là những đứa trẻ còn chưa biết chiến tranh là gì. The Imitation Game không phải là một bộ phim nói về tình yêu đồng tính, không chỉ là một bộ phim ca ngợi Alan Turing, mà điều làm mình thấy xúc động nhất là ở chỗ nó cho chúng ta thấy được con người vốn bình đẳng, khi chiến tranh xảy ra, nó đẩy tất cả chúng ta xuống vực thẳm đau khổ, bất kể là nam nữ, già trẻ, lưỡng tính hay đồng tính, tất cả đều đã phải hi sinh, đã phải chịu mất mát, và trong những người đã ngã xuống, đã đóng góp cuộc đời họ cho chiến thắng của đất nước chắc chắn đã có rất nhiều những người đồng tính, không phải chỉ có Alan Turing là người đồng tính duy nhất có đóng góp cho chiến thắng ấy, ông chỉ là một trong số đó. Điều khiến khán giả thấy tức giận nhất sau khi xem xong bộ phim đó là câu hỏi ai cũng sẽ nghĩ đến là tại sao sau khi trở lại cuộc sống yên bình, khi những người khác được nhận lại hạnh phúc, thì người đồng tính lại không, họ vẫn phải tiếp tục vật lộn đấu tranh trong cuộc chiến với sự bất công gây ra từ chính những con người có thể họ đã cứu sống trong cuộc chiến tranh khốc liệt trước đó. Nếu Chúa có thật, người sẽ không bao giờ để một sinh mạng mất đi chỉ vì cách người ấy chọn ai để yêu thương.
Tình yêu luôn bình đẳng, con người thì không… Thế giới đã để mất đi quá nhiều sinh mạng chỉ bởi vì tình yêu của những con người ấy vượt ra ngoài sự chấp nhận của cái vẫn được gọi là “quy chuẩn xã hội”. Và trong những cuộc đời bị tước đoạt ấy, có những người đã cống hiến quá nhiều cho hạnh phúc của nhân loại; nhưng nhân loại không thể chấp nhận hạnh phúc của họ?! Quyền bình đẳng cho tất cả không cướp đi bất cứ hạnh phúc của ai hay làm ai đó mất đi quyền lợi của mình, vậy tại sao con người lại sợ hãi sự khác biệt của những người đồng tính? Chẳng phải các nhà khoa học cũng đã chứng mình rằng tình yêu đồng tính luôn tồn tại ở rất nhiều loài động vật từ lúc sự sống hình thành, vậy mà giống loài được cho là tiến hóa bậc nhất lại đang kì thị sự sắp đặt của tạo hóa, chẳng lẽ vì quá phát triển mà xã hội lại sinh ra chứng kì thị. Liệu mối quan hệ đồng tính có trước hay nền văn minh nhân loại có trước, mình nghĩ rằng tình yêu đồng tính có trước, khi mà thế giới chẳng có bất cứ những quy định nào và mọi thứ đơn giản chỉ là bản năng tự nhiên. Để rồi khi xã hội hình thành, sản sinh ra những quan niệm, luật lệ, quy tắc, con người lại quay ra khinh miệt những người thuộc số ít và coi đó là tội lỗi. Mình chưa bao giờ hiểu nổi việc hai người đồng tính yêu và muốn sống với nhau thì liên quan gì lại thành ‘tội lỗi’ với người khác. Bạn là số đông không có nghĩa bạn là duy nhất hay luôn luôn đúng, cũng như những gì thuộc về số ít không có nghĩa là họ không thể tồn tại. Thế giới này đủ rộng lớn để chấp nhận mọi điều từ bình thường nhất đến khác biệt nhất, nếu như tự nhiên không tước đi quyền sống và yêu thương của họ, xã hội không có quyền quyết định xem ai được phép yêu như thế nào chỉ vì dựa vào giới tính của họ. LGBT không phải là lý do khiến hàng triệu người đến chỗ tự kết liễu sinh mạng, mà chính sự kì thị, khinh miệt của người xung quanh mới là thứ đẩy họ vào đường cùng. Con người ta sinh ra ai cũng đã phải vật lộn đấu tranh với rất nhiều thứ trong cuộc sống, phải trải qua đau khổ, mất mát; một trong những động lực lớn nhất giữ chúng ta có niềm tin và cảm thấy hạnh phúc để sống chẳng phải là tình cảm từ gia đình, người thân, bạn bè và những người xung quanh hay sao. Chúng ta được tự do lựa chọn hạnh phúc, sao lại phải ích kỷ chối bỏ hạnh phúc của người khác, với mình chỉ cần tình cảm đó khiến người ta sống tốt thì đó chính là một tình yêu đáng trân trọng. Tình yêu thì chỉ cần là tình yêu, không phải là việc bạn sinh ra có giới tính gì trên giấy khai sinh.
TIG khiến mình thấy nhói lồng ngực vì cảm thấy sợ cái sự thản nhiên của những người coi mình là đúng khi đối xử một cách ác độc, dã man với người khác. Những phiên tòa, những phán quyết, những thứ họ tiêm vào một người để “chữa trị” thứ mà họ cho là ‘căn bệnh đáng kinh tởm’ mà không cần biết những con người ấy sẽ sống ra sao, phải chịu đau đớn dày vò như thế nào? Tất cả được khoác lên mình một lý do là để bảo vệ “đạo đức xã hội”, chẳng có cái xã hội đạo đức nào lại khuyến khích việc chà đạp, hủy hoại người khác cả. Điều văn minh nhất của con người là chủ nghĩa nhân văn tức là dựa trên những niềm tin căn bản nhất “Hạnh phúc và quyền lợi của mỗi người là tự do riêng biệt và cần phải được tôn trọng.” Những điều cứ ngỡ quá đỗi hiển nhiên mà để đạt được nó lại khó khăn đến thế…

IV. Tổng kết:
The Imitation Game là một bộ phim rất đáng xem, nghiêm túc mà nói thì nó là một trong những bộ phim ý nghĩa nhất của năm 2014 mà mình được xem. Nội dung có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với những đóng góp đáng trân trọng của Alan Turing, có ý nghĩa với các vấn đề của xã hội, có sức lay động lòng người, thành công của bộ phim là khiến người ta xem xong phải nghĩ, phải cảm về những số phận xung quanh mình, về những bất công của xã hội cần phải thay đổi.
Nếu nói thêm về cá nhân thì đây là một bước tiến trong con đường sự nghiệp của Ben ở Hollywood. Năm 2013 Ben gây được sự chú ý lớn ở Hollywood nhưng The Imitation Game mới chính là bộ phim anh cho Hollywood thấy thực lực thật sự của mình với vai chính quan trọng ở dòng phim chính kịch. The Imitation Game vẫn được cho là một phim thuộc thể loại phim độc lập, nó không phải phim bom tấn nhưng mình nghĩ đây mới chính là thế mạnh của Ben, như anh vẫn thường hay đùa “Luôn đóng vai lớn trong phim nhỏ, và vai nhỏ trong phim bom tấn.”

_TFJ0183.NEF

The Imitation Game sẽ khiến khán giả không tiếc một chút nào khi bỏ thời gian để thưởng thức:
– Diễn xuất đỉnh, bao gồm cả diễn viên chính và phụ.
– Yếu tố về dàn dựng ổn, không có gì quá nổi trội nhưng vừa vặn cho phim.
– Kịch bản có nội dung rõ nét, thông điệp chuyển tải tốt, có hơi non trong cách xử lý tình tiết một chút, nhưng nói về khía cạnh chuyển thể từ sách thì mình cho là biên kịch đã khiến câu chuyện trở nên có kịch tính và giàu cảm xúc.
– Chỉ đạo của đạo diễn tương đối tốt dù tiếc là chưa bộc lộ rõ nét cá tính nghệ thuật.
Tại sao lần này mình review có hơi khác một chút là vì bình thường mình không đặt nặng các yếu tố khác ngoài cảm xúc một bộ phim mang lại, nhưng bởi đây là một bộ phim có thể nói là quan trọng nhất trong năm 2014 của Ben, và thường đối với thể loại phim này Ben đóng mình luôn khắt khe hơn (với tư cách là một fan). Lần đầu tiên đi xem là để cảm nhận và thả lỏng, nhưng lần thứ 2 mình xem thì muốn đánh giá bộ phim ở những góc nhìn khách quan hơn, đây là ý kiến cá nhân để chia sẻ và trao đổi, không phải cố tình tỏ vẻ kiếm chuyện chê bai. Cảm ơn vì đã đọc đến tận dòng cuối cùng này, mình biết nó quá dài… mình biết mà, nhìn lại mình còn phát hoảng.

6 thoughts on “[Movie] The Imitation Game – Giải Mã Một Số Phận

  1. E cũng vừa xem TIG hai hôm trc và mấy hôm nay cứ ko dứt ra dc khỏi đầu 😥 e cũng định (lần đầu tiên) viết 1 bài review phim nghiêm túc cho phim nhưng cơ bản chắc là ko thể đánh giá cặn kẽ đủ mọi khía cạnh của phim như ss. E rất đồng ý vs đoạn ss nói về diễn xuất của các diễn viên trong phim 😀 bởi lẽ mỗi nhân vật trong này đều là 1 mảnh ghép tuyệt vời, và Ben thì hiển nhiên để lại dấu ấn to lớn nhất trong lòng khán giả. 😀

    Liked by 1 person

  2. *Ôm ôm* ss đợi hoài mà bạn bè quen chưa ai xem để cùng bình loạn :)) Đợi lâu quá tự review chứ giữ trong lòng hoài chịu ko nổi T_T Em viết review cho ss đọc với, hay mấy phim tranh giải năm nay ý, ss xem mấy phim rồi nhưng chắc ko đủ sức review hết :)) đang kiếm người viết review để đọc nè.

    Liked by 1 person

  3. Có khi e sẽ viết review cho The Theory of everything ss ạ, e đã lên 1 list phim cần xem mà đứng đầu là mấy phim tranh giải phim truyện xuất sắc nhất năm nay rồi :3 vs TIG thì ss đã nói hết n~ j e nghĩ rồi nên chắc e ko cần viết thêm j đâu :3

    Like

  4. Ko biết nói gì hơn là cảm ơn bạn rất nhìu, xem phim đã xúc động mà đọc cảm nhận của bạn cũng rất sâu sắc tuyệt vời nên lại càng xúc động hơn. Buồn quá, thương vô cùng một tài năng xuất chúng đến thế mà phải chịu 1 số phận quá nghiệt ngã. T__T Đọc đi đọc lại bài của bạn, rồi lại lấy phim ra coi, lại càng thấm thía, lại càng buồn thương. T__T

    Liked by 1 person

  5. Hi,
    Bài review của bạn hay quá, mình thích phần bạn nói về tình yêu của những người đồng tính (mặc dù mình không đồng tính).
    Thích cái cách suy nghĩ của bạn, hy vọng có thể làm quen được với bạn.

    Liked by 1 person

Leave a Comment